Giới thiệu chung về Chương trình đào tạo Tiến sĩ Cơ kỹ thuật

  1. Một số thông tin về chuyên ngành đào tạo

Tên chương trình đào tạo:

Tên tiếng Việt: Cơ kĩ thuật

Tên tiếng Anh: Engineering Mechanics     

Tên ngành đào tạo:

Tên tiếng Việt: Cơ kĩ thuật

Tên tiếng Anh: Engineering Mechanics     

Mã số ngành đào tạo: 9520101

Ngôn ngữ đào tạo: Tiếng Việt

Trình độ đào tạo: Tiến sĩ

Thời gian đào tạo: 03 năm

Tên văn bằng tốt nghiệp:

Tên tiếng Việt: Tiến sĩ Cơ kĩ thuật

Tên tiếng Anh: Doctor of Philosophy in Engineering Mechanics

  1. Mục tiêu của chương trình đào tạo
    • Mục tiêu chung

– Chương trình đào tạo bậc tiến sĩ ngành Cơ kĩ thuật được xây dựng nhằm đào tạo những chuyên gia trong lĩnh vực cơ kĩ thuật có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng cao, khả năng độc lập nghiên cứu và có khả năng giải quyết các vấn đề khoa học và thực tiễn của kĩ thuật liên quan đến cơ học.

– Các tiến sĩ Cơ kĩ thuật có thể làm việc trong các lĩnh vực liên quan như cơ khí, xây dựng, kết cấu công trình, kĩ thuật biển, công nghệ chế tạo máy, điện – điện tử, kĩ thuật điều khiển, tự động hoá, hành không vũ trụ, công nghệ vũ trụ,… của các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước; có thể chủ trì, lãnh đạo các nhóm nghiên cứu; tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học và các viện nghiên cứu; có khả năng tư duy tổng hợp và có khả năng thích ứng cao, có khả năng phục vụ tốt, có khả năng tự nghiên cứu, tự đào tạo, hoàn thiện và phát triển.

    • Mục tiêu cụ thể

– Về kiến thức: Trang bị cho nghiên cứu sinh năng lực nghiên cứu khoa học, cập nhật, nâng cao và hoàn chỉnh những kiến thức cơ bản; có hiểu biết sâu về kiến thức chuyên ngành; có trình độ cao về lý thuyết và thực hành, có khả năng sáng tạo, giải quyết những vấn đề khoa học – công nghệ và hướng dẫn hoạt động chuyên môn trong các lĩnh vực cơ kĩ thuật, đủ kiến thức để tiếp tục nghiên cứu bậc trên tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

– Về năng lực: Có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực cơ kĩ thuật; là chuyên gia có trình độ chuyên môn cao để tham gia giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn hay lãnh đạo tại các trường đại học, các viện, các dự án  trong các lĩnh vực liên quan đến cơ kĩ thuật.

– Về kỹ năng: Được trang bị các kỹ năng chuyên sâu về lý thuyết, thực hành, phân tích, xây dựng mô hình, phương pháp tính toán và thực nghiệm trong cơ kĩ thuật. Có khả năng xây dựng đề cương nghiên cứu, kỹ năng lãnh đạo nhóm, kỹ năng tổ chức thực hiện các dự án nghiên cứu, áp dụng và giải quyết các vấn đề kĩ thuật có liên quan đến cơ học.

– Về phẩm chất đạo đức: Có ý thức chấp hành tốt các quy định pháp luật; có đạo đức cao nghề nghiệp, yêu nghề, tác phong làm việc nghiêm túc, khoa học, trung thực và có ý chí vươn lên.

  1. Thông tin tuyển sinh
    • Hình thức tuyển sinh: xét tuyển theo quy định hằng năm của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Thông tin tuyển sinh theo Quy chế, hướng dẫn tuyển sinh sau đại học hàng năm của ĐHQGHN, và đề án tuyển sinh của đơn vị được ĐHQGHN phê duyệt (nếu có)”
    • Đối tượng tuyển sinh
      • Yêu cầu về văn bằng và ngành học: Đối tượng dự tuyển phải tốt nghiệp thạc sĩ hoặc có bằng đại học chính quy hạng Giỏi trở lên ngành/chuyên ngành phù hợp ngành dự tuyển, hoặc tốt nghiệp trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ở một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù phù hợp với ngành/chuyên ngành đào tạo tiến sĩ.
      • Yêu cầu về kinh nghiệm và năng lực nghiên cứu
    • Đối tượng dự tuyển có bằng thạc sĩ định hướng ứng dụng hoặc có bằng thạc sĩ ngành/chuyên ngành phù hợp nhưng phải học bổ sung kiến thức hoặc thí sinh dự tuyển từ cử nhân thì phải là tác giả hoặc đồng tác giả của tối thiểu 01 công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực Cơ kĩ thuật;
    • Có đề cương nghiên cứu phù hợp
    • Có thư giới thiệu của ít nhất 01 nhà khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, tiến sĩ đã tham gia hoạt động chuyên môn với người dự tuyển và am hiểu lĩnh vực chuyên môn mà người dự tuyển dự định nghiên cứu.
      • Yêu cầu về năng lực ngoại ngữ:  Có văn bằng chứng chỉ phù hợp với chuẩn đầu vào về ngoại ngữ của chương trình đào tạo theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).
    • Danh mục ngành phù hợp và môn học bổ sung kiến thức tương ứng
      • Nhóm 1 (nhóm ngành phù hợp không phải bổ sung kiến thức): Cơ kĩ thuật (8520101), Kỹ thuật cơ khí (8520103), Kỹ thuật điện tử (8520203), Kỹ thuật cơ điện tử (8520114), Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (8520216), Kỹ thuật cơ khí động lực (8520116), Kỹ thuật hàng không (8520120).
      • Nhóm 2 (nhóm ngành gần phải bổ sung kiến thức): Kỹ thuật nhiệt (8520115), , Kỹ thuật năng lượng (8520135), Kỹ thuật điện (8520201), Kỹ thuật tàu thủy (8520122), Kỹ thuật hàng hải (8520138)
      • Trong quá trình tổ chức tuyển sinh, dựa trên tình hình thực tế, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ có thể quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục ngành phù hợp dựa trên đề xuất của Khoa Cơ học kĩ thuật và Tự động hóa và báo cáo ĐHQGHN trước khi thực hiện.
      • Danh mục các học phần bổ sung kiến thức: Đối tượng thuộc nhóm phải bổ sung kiến thức cần phải hoàn thành tối đa 04 học phần dưới đây trước khi dự tuyển.
STT Mã học phần Tên học phần Số tín chỉ
1. MAT6281 Phương pháp số ứng dụng 3
2. EMA6120 Kĩ thuật công trình 3
3. EMA6122 Kĩ thuật môi trường 3
4. EMA6131 Kĩ thuật vi điều khiển 3
  • Dự kiến quy mô tuyển sinh: Theo quyết định phân bổ hằng năm.