Giới thiệu về Khoa Cơ học Kỹ thuật và Tự động hóa

Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa (CHKT&TĐH) được thành lập theo Quyết định số 1279/QĐ-TCCB ngày 04 tháng 7 năm 2005 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tên chính thức: Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa

Tên tiếng Anh: Faculty of Engineering Mechanics and Automation (FEMA)

Địa chỉ: Phòng 311 – Nhà G2, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: 024.3 7549 431

Email: fema@vnu.edu.vn

Website: http://fema.uet.vnu.edu.vn/

Khoa CHKT&TĐH là một đơn vị đào tạo thuộc Trường ĐHCN, ĐHQGHN xây dựng và hoạt động theo mô hình phối thuộc giữa Trường Đại học Công nghệ và Viện Cơ học, Viện Công nghệ Vũ trụ trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, tiếp đó mô hình được mở rộng bằng kết quả hợp tác giữa Trường ĐHCN và Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp (IMI, nay là IMI Holding) thuộc Bộ Công thương trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa lãnh đạo các bên liên quan. Đây là mô hình đào tạo mới điển hình cho sự hợp tác Trường đại học – Viện nghiên cứu – Tập đoàn công nghiệp trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Cơ cấu tổ chức của Khoa được thực hiện với tiêu chí tinh gọn và hiệu quả. Trong đó, các đơn vị đảm nhiệm vai trò nòng cốt về chuyên môn gồm: 04 bộ môn, 02 phòng thí nghiệm và 01 xưởng cơ khí. Văn phòng Khoa phụ trách công tác hành chính chung của Khoa. Khối đoàn thể bao gồm Công đoàn và Liên chi đoàn. Điều phối hoạt động chung trong Khoa là Chi ủy và Ban chủ nhiệm Khoa.

Ngay từ khi thành lập, Khoa CHKT&TĐH đã được sự quan tâm ủng hộ của các vị lãnh đạo cấp cao: Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Cố GS. VS. Nguyễn Văn Đạo; Chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam, GS.VS. Đặng Vũ Minh; Cùng với điều đó là sự sáng tạo, năng động trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Hiệu Trưởng Trường ĐHCN, GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu Trưởng kế tiếp là GS. Nguyễn Hữu Đức, của Nguyên Viện Trưởng Viện Cơ học, GS.TSKH. Nguyễn Tiến Khiêm. Trong thời gian qua, các chủ nhiệm Khoa lần lượt là: GS. TSKH Nguyễn Văn Điệp, GS.TSKH. Nguyễn Tiến Khiêm; GS.TSKH. Nguyễn Đông Anh, PGS. TS. Đinh Văn Mạnh.

Khoa CHKT&TĐH là một mô hình mới, điển hình của sự hợp tác Trường đại học + Viện nghiên cứu + Tập đoàn công nghiệp trong lĩnh vực đào tạo và NCKH. Đặc điểm nổi bật nhất của mô hình này là: Tổ chức và quản lý theo hình thức vừa tập trung vừa phân tán cả về con người lẫn cơ sở vật chất. Điều này được minh chứng bởi: Lực lượng giảng viên và cán bộ, kể cả cán bộ quản lý được quản lý theo từng đơn vị hành chính khác nhau. Lực lượng này, hiện ở 03 dạng (cơ hữu, thuộc trường; kiêm nhiệm, thuộc viện, ký hợp đồng lao động kiêm nhiệm với trường; thỉnh giảng, thuộc các đơn vị đào tạo và nghiên cứu phù hợp khác, ký hợp đồng mời giảng với trường). Cơ sở vật chất (phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, …) cũng được quản lý bởi các đơn vị hành chính khác nhau.

Với đội ngũ cán bộ giảng dạy trình độ cao, hiện tại Khoa đang triển khai đào tạo:

  • 03 CTĐT bậc đại học: Kỹ sư ngành Cơ kỹ thuật , Cử nhân ngành Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử, Kỹ sư ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa .
  • 02 CTĐT bậc thạc sĩ: Thạc sĩ Cơ kỹ thuật và Thạc sĩ Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử ;
  • 01 CTĐT bậc tiến sĩ: Tiến sĩ Cơ kỹ thuật .

Trong quá trình triển khai các hoạt động đào tạo, tập thể cán bộ của Khoa đã luôn cố gắng để phát huy được các thế mạnh và khắc phục những khó khăn tồn tại để ngày càng hoàn thiện và phát triển các CTĐT cũng như các hoạt động đào tạo của Khoa. Trong bảng xếp hạng QS thế giới theo lĩnh vực năm 2023 (QS WUR by subject 2023) đối với Trường ĐHCN, ĐHQGHN có lĩnh vực Cơ kỹ thuật, Hàng không và chế tạo được xếp hạng với thứ bậc 501-520 dựa trên 5 tiêu chí: uy tín học thuật, uy tín tuyển dụng, tỷ lệ trích dẫn bài báo, chỉ số H-index, mạng lưới nghiên cứu quốc tế.

Khoa có các Phòng thí nghiệm, Xưởng cơ khí phục vụ đào tạo được xây dựng từ ngân sách của trường ĐHCN và được sử dụng các phòng thí nghiệm của các đơn vị liên kết như: Kỹ thuật và môi trường biển, Thủy khí công nghiệp và Môi trường của Viện Cơ học; các phòng thí nghiệm của Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp, Viện Nghiên cứu Cơ khí,…

Song song với hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng luôn được chú trọng. Cán bộ giảng viên của Khoa tham gia với tư cách chủ trì, thư ký khoa học, người tham gia chính các nhiệm vụ quan trọng các cấp như cấp Nhà nước, Nghị định thư, cấp Bộ Khoa học Công nghệ, cấp ĐHQGHN. Nhiều sáng kiến, sáng chế, giải pháp hữu ích đã được công nhận, cấp bằng. Tỷ lệ công bố trên cán bộ cao, trong đó nhiều công bố trên tạp chí uy tín ISI/Scopus.

Đến nay, qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, tuy các thành quả đạt được của Khoa CHKT&TĐH vẫn còn khiêm tốn nhưng bước đầu đã tạo ra được chỗ đứng và niềm tin đối với Nhà trường và xã hội. Con đường phía trước còn rất dài, đầy gian nan thử thách, đầy trách nhiệm, đòi hỏi các cán bộ của Khoa CHKT&TĐH phải học tập và sáng tạo, phải phấn đấu nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Khoa, góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của Nhà trường.